Hotline
+84 274 3610292
+84 918 930 568
QUY TRÌNH SẢN XUẤT
:: Tin tức ::
Ngành gỗ chuẩn bị tốt mọi mặt để tham gia TPP  
Những ngày cuối năm 2015, không khí sản xuất tại các doanh nghiệp (DN) gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễn ra rất khẩn trương. Các DN gỗ đang cố gắng hoàn thành đơn hàng xuất khẩu trong năm 2015 và chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt để tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi Việt Nam ký kết.


Ngành gỗ Bình Dương đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để tham gia TPP. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất sản phẩm ván lót sàn xuất khẩu tại doanh nghiệp gỗ Kim Thành A (TX.Thuận An)


Ngành gỗ Bình Dương đóng góp lớn

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khẳng định, năm 2015 xuất khẩu gỗ sẽ đạt trên 7 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2014. Theo ông Quyền, quý IV thường là vụ làm ăn chính của ngành gỗ và tính đến thời điểm này, hợp đồng xuất khẩu của các DN vẫn còn nhiều nên khả năng kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 7 tỷ USD trong năm nay là hoàn toàn thực hiện được.

Đây là thông tin đáng mừng bởi một vài năm nay ngành gỗ gặp nhiều khó khăn khiến tăng trưởng ngày một giảm sút. Cụ thể, từ năm 2010 trở về trước, tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ đạt khoảng 15-20%/năm, nhưng từ năm 2010 trở lại đây tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 10%/ năm.

Chủ một DN gỗ tại TX.Dĩ An cho biết, khả năng hoàn thành chỉ tiêu 7 tỷ USD xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm nay là hoàn toàn khả quan, bởi các đơn hàng lớn, giá trị xuất khẩu cao đang tập trung tại tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, các DN đang tăng tốc để hoàn thành chỉ tiêu sản xuất và xuất khẩu cả năm 2015 để tính toán cho kế hoạch năm 2016.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình xuất khẩu của các DN gỗ trên địa bàn tỉnh, ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương phấn khởi cho biết, tại Bình Dương các DN đang đẩy mạnh sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác. Nhiều DN đã phải tổ chức tăng ca, thuê thêm công nhân để phục vụ sản xuất cho tới cuối năm, thậm chí nhiều DN đã nhận đơn hàng cho quý I- 2016. Ngành chế biến gỗ của Bình Dương đang ngày càng lớn mạnh và đóng góp tích cực vào việc đưa gỗ và sản phẩm gỗ đứng thứ 6 trong top hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo ghi nhận, hiện nay các DN gỗ đang tính toán xa hơn đó là sân chơi TPP. Khi tham gia TPP, ngành gỗ sẽ có nhiều thuận lợi để thâm nhập sâu rộng vào thị trường các nước trong TPP.

Chủ động nguồn nguyên liệu

Mặc dù chưa có biểu thuế suất cho nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường các nước tham gia TPP, nhưng đây là thị trường lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua. TPP có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Canada… đang chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.

Vấn đề lớn nhất đối với ngành gỗ của Bình Dương hiện nay vẫn là nguồn nguyên liệu. Sắp tới, ngày 2-12-2015, Thông tư 40 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực, cây cao su tại tỉnh Bình Dương sẽ có thêm cơ hội "góp sức” cho nguồn nguyên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất tại chỗ của các DN.

Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều DN Bình Dương những năm qua đã chủ động đầu tư trồng vùng nguyên liệu ở các tỉnh Tây nguyên và miền Trung để hạn chế nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, đối với một số sản phẩm gỗ yêu cầu nhập khẩu gỗ thông, gỗ teak… các DN vẫn phải nhập khẩu từ các đối tác trong TPP. Thuế suất nhập khẩu giảm cũng sẽ giúp các DN tiết kiệm chi phí nhiều hơn, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh với các đối thủ, nhất là các nước ngoài TPP.

Ông Lưu Phước Lộc, Giám đốc Công ty Gỗ Mtrade (TX. Thuận An) cho biết, sân chơi TPP đòi hỏi các doanh nghiệp phải nghiên cứu kỹ hàng rào kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ nguồn nguyên liệu, bởi các thị trường lớn như Mỹ và các nước châu Âu rất khắt khe đối với vấn đề này. Bên cạnh đó, chính sách trợ giá, hỗ trợ chi phí điện, nước, sản xuất không còn được các Chính phủ can thiệp vào. DN cần tự lực cánh sinh, nỗ lực hòa nhập vào dòng chảy chung của TPP.

Ông Michael Buckley, chuyên viên của Tổ chức chứng chỉ rừng (PEFC) cho rằng, PEFC đang nỗ lực giúp các hộ dân có diện tích trồng rừng nhỏ tại Việt Nam để họ vẫn có thể tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu. Ở Việt Nam, tính đến năm 2014 đã có 18 đơn vị được cấp chứng chỉ rừng FSC FM/ CoC. Đáng chú ý, nhóm 103 hộ gia đình ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị và 300 hộ gia đình dự án WB3 ở 6 tỉnh miền Trung đã được cấp chứng chỉ FSC FM năm 2010 và 2012.

Nhiều DN gỗ của Bình Dương cũng đã tham gia chuỗi cung ứng nguyên liệu này tại các tỉnh miền Trung bằng hình thức liên kết với các hộ có diện tích trồng rừng nhỏ, hoặc đầu tư trồng nguyên liệu nơi đang được PEFC hỗ trợ để chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp khi tham gia thị trường xuất khẩu.

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc Bình Dương chủ động xây dựng khu công nghiệp tập trung riêng biệt cho ngành gỗ là một hướng đi có tính đón đầu xu thế. Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương cần có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ nhu cầu sản xuất của DN. Nếu Bình Dương có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cho vùng trồng nguyên liệu thì nơi đây không những trở thành địa phương sản xuất gỗ lớn nhất nước, mà còn trở thành vùng nguyên liệu lý tưởng cho cả Đông Nam bộ.

Những bản tin khác
Chất lượng sản phẩm tạo nên thương hiệu Kim Thành A
Doanh nghiệp chế biến gỗ: Đối mặt với khó khăn
Hiệu quả từ việc áp dụng sản xuất sạch hơn ở Công ty gỗ Kim Thành A
CÔNG TY TNHH KIM THÀNH A
Số 107/20 Đường Thủ Khoa Huân, KP. Bình Phước A, P. Bình Chuẩn, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương, Việt Nam
ĐT: +84 274 3610292    Fax: +84 274 3610433     DĐ: +84 918 930 568
Web: http://www.kimthanha.com     Email: contact@kimthanha.com
Copyright © 2009 Kimthanha.com. All rights reserved.