Hotline
+84 274 3610292
+84 918 930 568
QUY TRÌNH SẢN XUẤT
:: Tin tức ::
Doanh nghiệp chế biến gỗ: Đối mặt với khó khăn  
6 tháng đầu năm 2013 tình trạng lạm phát đã được kiềm chế, lãi suất ngân hàng đã giảm, lao động ổn định… Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn bủa vây các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ xuất khẩu, trong đó vướng mắc nhất vẫn là rào cản thương mại từ 2 thị trường lớn là Mỹ và EU.
 
Xuất khẩu có xu hướng giảm

Trong những năm vừa qua, chế biến gỗ là ngành có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, là một trong 6 nhóm hàng (chế biến gỗ, da giày, dệt may, gốm sứ, cơ khí và luyện kim) xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Tuy vậy, 6 tháng đầu năm 2013, DN ngành chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn về nguồn nguyên phụ liệu và thị trường xuất khẩu, khiến tình hình sản xuất xuất khẩu chung của các DN ngành gỗ có xu hướng giảm.

Theo đánh giá của các thành viên Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, hiệu quả sản xuất của DN trong ngành ngày càng thấp, trong đó có khoảng 75% DN rơi vào tình trạng không có lời, khiến DN phải thu hẹp hoặc tạm dừng sản xuất, chỉ có khoảng 25% DN có tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn năm 2012. Một số DN như Công ty TNHH Phát Triển, doanh thu 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 16,6 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2012, đạt gần 52% kế hoạch năm 2013, dự kiến doanh thu năm 2013 đạt 33,5 triệu USD (vượt kế hoạch năm 5%). Kế đến là Công ty TNHH Mori Shige, doanh thu 6 tháng đầu năm 2013 tăng 10 - 15% so với cùng kỳ, dự kiến doanh thu năm 2013 tăng 15% (đạt 100% kế hoạch năm)… Các sản phẩm chủ yếu của ngành chế biến gỗ trong 6 tháng đầu năm 2013 có xu hướng giảm so với cùng kỳ, như ghế có khung bằng gỗ giảm 3%, giường bằng gỗ giảm 7%, bàn bằng gỗ giảm 0,3%, đồ nội thất bằng gỗ khác giảm 17,2%, ngoại trừ sản phẩm tủ bằng gỗ (trừ tủ bếp) tăng 6%.

Đối mặt với khó khăn

Có thể nói, suy thoái kinh tế kéo dài đã và đang "ngấm" vào từng DN ngành chế biến gỗ. Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kim Thành A (phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An) cho hay, chi phí đầu vào tăng liên tục trong nhiều năm qua khiến giá thành sản phẩm tăng cao, trong khi đó giá đầu ra đơn hàng không thể tăng tương ứng. Vì vậy hiệu quả hoạt động của DN ngành chế biến gỗ ngày càng thấp, thậm chí không có lợi nhuận. Thông tin từ các DN trong ngành cũng cho biết, giá nguyên phụ liệu gỗ nhập khẩu tăng khoảng 7 - 15%, bên cạnh đó giá các loại vật tư phụ tùng, phụ liệu ngành chế biến gỗ (giấy nhám, bao bì…) mua trong nước giá đã tăng từ 5 - 10% do giá xăng, giá điện, lương nhân công, chi phí vận chuyển tăng. Nhiều công ty đã chủ động chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm chi phí nhập khẩu và thời gian sản xuất. Cụ thể như Công ty TNHH Phát Triển trước đây nhập ván MDF từ New Zealand nay chuyển sang mua từ Công ty Cổ phần gỗ MDF VGR Dongwha (Bình Phước) hoặc ván dăm ép nhập từ Thái Lan nay chuyển sang mua từ Công ty TNHH Vina Eco Board (Long An) giá giảm từ 180 - 190USD/m3 xuống còn 160USD/m3… Tuy đã có nhiều giải pháp tự cứu mình nhưng hầu hết DN vẫn đang ở tình trạng "lực bất tòng tâm".

Theo Sở Công Thương Bình Dương, ngoài khả năng tình hình kinh tế thế giới sẽ có mức tăng trưởng chậm, ngành chế biến gỗ xuất khẩu còn tiếp tục đối diện nhiều khó khăn, thử thách mới. Nhiều nước trong khối EU đều thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", cắt giảm chi tiêu, nên xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ vào thị trường này gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, các DN trong ngành gỗ còn phải đương đầu trước những rào cản kỹ thuật do các nước nhập khẩu áp đặt như đạo luật Lacey của Mỹ, đạo luật Flegt của EU… Đặc điểm chung của cả Flegt và Lacey là đều có những yêu cầu ngặt nghèo, như nhà xuất khẩu phải trình bày chuỗi hành trình của sản phẩm, bao gồm tất cả các khâu từ khi khai thác cho đến thành phẩm một cách minh bạch để nhà chức trách Mỹ và EU có thể truy xét nguồn gỗ nguyên liệu. Thông tin chung từ một số DN xuất khẩu gỗ, dù 2 đạo luật này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu gỗ vào 2 thị trường này nhưng đến nay DN vẫn chưa có thông tin hướng dẫn cụ thể từ phía Mỹ. Thực tế có một số nhà nhập khẩu yêu cầu DN xuất khẩu chứng minh nguồn gốc xuất xứ gỗ đồng thời có sự hỗ trợ về mặt thông tin, tuy nhiên đây cũng chỉ là số ít. Do vậy, trong thời gian tới ngoài những khó khăn nội tại, các DN trong ngành gỗ sẽ gặp phải những khó khăn nhất định khi vướng các hàng rào kỹ thuật từ 2 thị trường lớn là Mỹ và EU.


Những bản tin khác
Hiệu quả từ việc áp dụng sản xuất sạch hơn ở Công ty gỗ Kim Thành A
CÔNG TY TNHH KIM THÀNH A
Số 107/20 Đường Thủ Khoa Huân, KP. Bình Phước A, P. Bình Chuẩn, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương, Việt Nam
ĐT: +84 274 3610292    Fax: +84 274 3610433     DĐ: +84 918 930 568
Web: http://www.kimthanha.com     Email: contact@kimthanha.com
Copyright © 2009 Kimthanha.com. All rights reserved.